Hoạt động chuẩn bị gỗ hay theo thuật ngữ Tiếng Anh gọi là Wood Preparation, tuy đơn giản nhưng lại là một công đoạn quan trọng, và được thực hiện xuyên suốt trong quá trình sản xuất và chế biến gỗ, kể từ khâu cưa xẻ gỗ cho đến sấy gỗ (hoặc hong gió), xử lý bề mặt, gia công, tẩm bảo vệ và sơn phủ. Chuẩn bị gỗ giúp loại bỏ được những khối gỗ kém chất lượng, giảm hao tốn nhiên liệu và phòng tránh được những tai nạn lao động có thể xảy ra. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Timber Phoenix khám phá sâu hơn về các bước trong quy trình chuẩn bị gỗ, bao gồm xác định loại gỗ, thu thập nguyên liệu, làm sạch, kiểm tra chất lượng và phân loại.
Tìm hiểu các bước trong quy trình chuẩn bị gỗ.
Bước 1 – Xác định loại gỗ.
Công đoạn xác định loại gỗ được thực hiện như thế nào? Việc xác định loại gỗ trong khâu chuẩn bị là một bước quan trọng, giúp gỗ được sử dụng đúng mục đích và có hiệu suất sử dụng cao. Điều này góp phần đáp ứng yêu cầu về tính thẩm mỹ của người sử dụng và đảm bảo tuổi thọ của sản phẩm được kéo dài.
Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn loại gỗ trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm:
- Yêu cầu của sản phẩm: Chúng ta nên lựa chọn loại gỗ phù hợp với yêu cầu của sản phẩm và nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, một số loại gỗ phổ biến được dùng để làm đồ ngoại thất và nội thất như gỗ Sồi, Óc Chó hoặc Thông; Trong khi có một vài người tiêu dùng đòi hỏi sử dụng những loại gỗ quý, mang giá trị cao như gỗ Lim, Mun, Cẩm Lai hoặc Hương.
- Đặc tính của gỗ: Mỗi loại gỗ thường sở hữu những đặc tính riêng, như độ cứng, độ bền, độ chịu lực, độ dẻo dai… Do đó, chúng ta cần hiểu và lựa chọn được loại gỗ phù hợp với các dự án là công trình xây dựng, sản xuất đồ ngoại thất, đồ nội thất, đồ trang trí và nhiều sản phẩm khác. (Tìm hiểu đặc tính của gỗ là gì?).
- Màu sắc của gỗ: Màu sắc là yếu tố chủ yếu quyết định đến tính thẩm mỹ và tạo nên tổng thể hài hòa của toàn sản phẩm. Ví dụ, màu vàng nâu của gỗ Sồi, gỗ Thông, màu đỏ của gỗ Gõ Đỏ, màu đen của gỗ Mun… góp phần tạo nên những sản phẩm đồ ngoại thất hoặc nội thất tinh tế và ấn tượng. (Tìm hiểu màu sắc của gỗ là gì?).
- Đường vân của gỗ: Đường vân của gỗ cũng góp phần tạo nên tính thẩm mỹ cho sản phẩm, mỗi hình dạng sẽ quyết định đến phong cách thiết kế khác nhau. Ví dụ, nếu sản phẩm có phong cách cổ điển thì cần sử dụng loại gỗ có đường vân thẳng, đều đặn và màu tối, như gỗ Lim, gỗ Gõ Đỏ… Trong khi những loại vân gỗ phá cách, màu sáng sẽ phù hợp với các thiết kế hiện đại, như gỗ Sồi, Thông hoặc Óc Chó.
Như vậy, sau khi đã xác định được yêu cầu của sản phẩm và tìm hiểu các đặc tính của của gỗ, chúng ta cần so sánh và lựa chọn loại gỗ phù hợp nhất cho từng dự án. Đây là công đoạn quan trọng của quy trình chuẩn bị gỗ, giúp lựa chọn được nguồn nguyên liệu phù hợp cho các công trình xây dựng, sản xuất đồ ngoại thất, nội thất hoặc trang trí…
Xem thêm: Những kinh nghiệm giúp lựa chọn loại gỗ phù hợp.
Bước 2 – Thu thập nguyên liệu.
Công đoạn thu thập nguyên liệu được thực hiện như thế nào? Việc thu thập nguyên liệu giúp chúng ta tìm được loại gỗ cần dùng, quy mô sản xuất và ngân sách thực hiện dự án. Có thể nói đây là khâu chuẩn bị quan trọng, góp phần tối ưu nguồn nhân lực và chi phí sản xuất.
Dưới đây là một số bước để thu thập nguyên liệu trong quy trình chuẩn bị gỗ, bao gồm:
- Xác định nguồn cung cấp: Từ việc xác định loại gỗ đã được thực hiện ở bước trên, chúng ta có thể lựa chọn nguồn cung cấp phù hợp, chẳng hạn như khai thác trực tiếp hoặc thu mua từ các nhà cung cấp gỗ uy tín trên thị trường. Điều quan trọng là phải tìm đến những nhà cung cấp gỗ uy tín, đảm bảo nguyên liệu được khai thác hợp pháp và sở hữu các chứng chỉ rừng như là FSC, SFI, PEFC…
- Thẩm định chất lượng nguyên liệu: Bên cạnh việc xác định nguồn nguyên liệu được cung cấp từ các cơ sở uy tín, chúng ta cần đảm bảo gỗ không bị biến dạng, cong vênh, nứt nẻ hoặc có côn trùng, nấm mốc ký sinh… Việc này cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tránh lãng phí ngân sách và nguồn lực.
- Thu thập nguyên liệu: Sau khi thẩm định và đảm bảo nguyên liệu có sự đồng đều về màu sắc, vân gỗ và độ bền, chúng ta tiến hành thu thập gỗ. Tại khâu này, chúng ta nên cân nhắc thêm về chi phí thực hiện để quá trình sản xuất được tối ưu.
- Vận chuyển nguyên liệu: Sau khi thu thập, chúng ta tiến hành vận chuyển nguyên liệu về xưởng sản xuất một cách an toàn, tránh làm hư hỏng.
Hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp gỗ, trong đó bao gồm cả những đơn vị kém uy tín. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và tìm hiểu cẩn thận ngay từ khâu chuẩn bị để có thể lựa chọn những tổ chức cung cấp dịch vụ khai thác hoặc mua bán gỗ uy tín. Nhờ đó, nguyên liệu sẽ được đảm bảo tính hợp pháp và đồng nhất về màu sắc, vân gỗ, độ bền và kéo dài tuổi thọ sử dụng.
Xem thêm: Những kinh nghiệm giúp lựa chọn nhà cung cấp gỗ uy tín.
Bước 3 – Làm sạch nguyên liệu.
Công đoạn làm sạch nguyên liệu được thực hiện như thế nào? Làm sạch bề mặt bao gồm các công đoạn loại bỏ vỏ cây, nhành cây, bụi bẩn và mối mọt hoặc nấm mốc (nếu có). Công đoạn này nhằm đảm bảo nguyên liệu được chuẩn bị sạch sẽ và nhẵn mịn, sẵn sàng phục vụ cho các công đoạn xử lý tiếp theo.
Cụ thể, một số công đoạn làm sạch nguyên liệu cần thiết trong quy trình chuẩn bị gỗ bao gồm:
- Loại bỏ vỏ cây: Việc loại bỏ vỏ cây có thể được thực hiện bằng cách sử dụng dao, cưa hoặc một số loại máy móc chuyên dụng. Chúng ta cần lưu ý không để lưỡi cưa tiếp xúc vào những bộ phần không cần thiết, làm lãng phí nguyên liệu.
- Loại bỏ các tạp chất khác: Ngoài vỏ cây, còn có các tạp chất khác có thể xuất hiện trên bề mặt gỗ, chẳng hạn như cành cây nhỏ, dăm gỗ, mảnh vụn, mối mọt, nấm mốc…Chúng ta có thể loại bỏ chúng bằng cách cắt bỏ, lau chùi, dùng dung dịch tẩy rửa hoặc mài những vết bẩn khó chịu.
- Làm sạch bề mặt gỗ: Sau khi đã loại bỏ các tạp chất, chúng ta cần đảm bảo bề mặt gỗ được làm sạch và nhẵn mịn, giúp cho các công đoạn cưa xẻ, ngâm tẩm, sơn phủ thực hiện một cách hiệu quả.
Như vậy, sau khi chuẩn bị gỗ, cụ thể là bước làm sạch, chúng ta sẽ có được những nguyên liệu sạch sẽ, thẩm mỹ và không còn bụi bẩn. Điều này không chỉ giúp cho các quá trình xử lý tiếp theo như cưa xẻ, sấy gỗ, phủ chất bảo vệ… đạt được năng suất cao, mà còn giúp đảm bảo an toàn cho người lao động trong lúc thực hiện.
Xem thêm: Bề mặt gỗ là gì? Đặc điểm, vai trò và cách bảo quản.
Bước 4 – Kiểm tra chất lượng.
Công đoạn kiểm tra chất lượng được thực hiện như thế nào? Tại mỗi công đoạn trong quy trình gia công và chế biến, gỗ sẽ được làm sạch theo những cách khác nhau. Đó có thể là phương pháp lau sạch bề mặt, hoặc chà nhám, cắt gỗ để loại bỏ các khuyết điểm như rạn nứt, cong vênh hoặc nứt nẻ… Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải kiểm tra lại nguyên liệu một lần nữa để đảm bảo chúng đáp ứng được các yêu cầu về màu sắc, độ bóng và độ bền…
Cụ thể, các tiêu chí kiểm tra chất lượng sau quy trình chuẩn bị gỗ, bao gồm:
- Kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu: Cần kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu bền vững, đảm bảo chúng có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp.
- Tiêu chí về chất lượng: Gỗ sau khi được chuẩn bị cần có chất lượng tốt, không bị cong vênh, nứt nẻ, mối mọt… Điều này không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn giúp nâng cao hiệu suất sử dụng và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
- Tiêu chí về kích thước: Gỗ sau khi được chuẩn bị cần có kích thước phù hợp với yêu cầu sử dụng. Điều này đòi hỏi chúng ta cần đo đạc và thực hiện cưa xẻ một cách chính xác. Ngoài ra, sự biến dạng, cong vênh, nứt gãy hoặc mục nát cũng có ảnh hưởng đến kích thước của nguyên liệu gỗ.
- Tiêu chí về tính thẩm mỹ: Gỗ sau khi được chuẩn bị cần có bề mặt sạch sẽ, nhẵn mịn và không còn xuất hiện các tạp chất. Điều này đòi hỏi chúng ta cần sử dụng các công cụ và hóa chất phù hợp.
Tóm lại, gỗ sau khi được chuẩn bị cần đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, kích thước và tính thẩm mỹ. Nhờ đó, chúng ta có thể đảm bảo sản phẩm gỗ có chất lượng cao, bền đẹp và đáp ứng được yêu cầu đa dạng của người sử dụng.
Xem thêm: Những kinh nghiệm giúp lựa chọn sản phẩm gỗ chất lượng.
Bước 5 – Phân loại nguyên liệu.
Công đoạn phân loại nguyên liệu được thực hiện như thế nào? Trong một nhà máy sản xuất, các bước gia công và chế biến sẽ được thực hiện liên tục. Điều này làm xuất hiện những thanh gỗ hoặc tấm gỗ sở hữu chất lượng khác nhau, chẳng hạn như nguyên liệu đã được cắt xẻ, sấy khô, ngâm tẩm, sơn hoặc phủ chất bảo vệ… Vì vậy, chúng ta cần phải phân loại một cách rõ ràng, nhằm tránh lãng phí và tăng mức độ chính xác trong lúc thực hiện.
Các bước thực hiện phân loại trong lúc chuẩn bị gỗ cụ thể như sau:
- Xác định các tiêu chí phân loại: Trước khi thực hiện công đoạn phân loại,chúng ta cần xác định các tiêu chí phân loại, bao gồm loại gỗ cứng, gỗ mềm, gỗ quý hiếm… kích thước, độ ẩm và đặc tính về độ bền, khả năng chịu lực, chống nước…
- Thực hiện phân loại: Sau khi xác định các tiêu chí phân loại, chúng ta tiến hành sắp xếp những nguyên liệu có chung tính chất lại với nhau.
- Ghi nhãn: Trong lúc sắp xếp và phân loại, chúng ta cần ghi nhãn cho từng nhóm để dễ dàng quản lý và sử dụng. Nội dung của nhãn cần thể hiện rõ ràng các thông tin tên loại gỗ, kích thước, độ ẩm, tính chất…
Kết luận, sau quá trình chuẩn bị gỗ, chúng ta sẽ có được những nhóm nguyên liệu đã phân loại một cách rõ ràng về hình dạng, kích thước, màu sắc, độ ẩm, độ bền và tính năng. Mỗi nhóm sẽ được đánh dấu hoặc ghi nhãn đầy đủ thông tin để tránh nhầm lẫn trong suốt quá trình sản xuất.
Kết luận.
Thông qua sự tìm hiểu các bước trong quy trình chuẩn bị gỗ, kể từ khâu xác định loại gỗ cho đến thu thập nguyên liệu, làm sạch, kiểm tra chất lượng và phân loại mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra quy trình chuẩn bị gỗ tưởng như đơn giản, nhưng lại đòi hỏi khả năng tìm kiếm và nghiên cứu thông tin của các đơn vị sản xuất. Việc này không chỉ đảm bảo nguồn gỗ được khai thác và thu mua một cách hợp pháp. Mà còn giúp cho các nguyên liệu đáp ứng tốt các yêu cầu về tính thẩm mỹ, chức năng, có hiệu suất sử dụng cao và kéo dài tuổi thọ.