Một số chứng chỉ rừng như FSC, PEFC hay SFI không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Mà các chương trình này còn góp phần đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng địa phương, cũng như sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp gỗ. Trong bài viết sau đây, bạn hãy cùng Timber Phoenix tìm hiểu xem chứng chỉ SFI là gì, bao gồm khái niệm, vai trò và các lợi ích của chứng chỉ SFI. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm gỗ chất lượng, cũng như tìm được nhà cung cấp gỗ đáng tin cậy.
Chứng chỉ SFI là gì? Khái niệm, vai trò và lợi ích?
Tổng quan về chứng chỉ SFI.
Tìm hiểu chứng chỉ SFI là gì? Chứng chỉ SFI là một chứng nhận quốc tế về quản lý rừng bền vững, được cấp bởi Tổ Chức Sáng Kiến Lâm Nghiệp Bền Vững hay Sustainable Forestry Initiative (SFI). SFI là một tổ chức phi lợi nhuận, thành lập vào năm 1995, có trụ sở tại Hoa Kỳ và Canada và hoạt động dựa trên 04 trụ cột, bao gồm: tiêu chuẩn, bảo tồn, cộng đồng và giáo dục theo mục tiêu bảo vệ và quản lý rừng hiệu quả. Hiện nay, với hơn 1.500 thành viên, bao gồm các công ty lâm nghiệp, nhà sản xuất, nhà bán lẻ, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ. Chứng chỉ SFI là công cụ mạnh mẽ giúp đảm bảo các khu rừng khỏe mạnh, giảm thiểu tác động đến khí hậu, môi trường và hệ sinh thái rừng.
Như vậy qua phần giới thiệu trên, bạn đã có thể nắm được cơ bản thông tin chứng chỉ SFI là gì, và nếu muốn biết những ai cần có chứng chỉ SFI, vai trò và lợi ích khi có chứng chỉ SFI, vui lòng xem tiếp ở phần sau.
Xem thêm: Có bao nhiêu loại rừng? Đâu là những cách để phân loại rừng phổ biến?
Các đối tượng cần có chứng chỉ SFI.
Chứng chỉ SFI được cấp cho ai? Chứng chỉ SFI được cấp cho các tổ chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp, nếu như họ tuân thủ những nguyên tắc liên quan đến sự phát triển bền vững của rừng. Đồng thời cam kết tuân thủ quyền công dân, cơ hội việc làm và lợi ích của người lao động. Và còn tùy thuộc vào hoạt động chính trong chuỗi cung ứng gỗ, mà các tổ chức cần thực hiện theo các quy tắc mới nhất được Hội Đồng SFI phê chuẩn vào năm 2022. Theo forest.org, chứng chỉ SFI có 06 tiêu chuẩn SFI cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn quản lý rừng SFI: Áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào sở hữu đất lâm nghiệp dựa trên 13 Nguyên tắc, 17 Mục tiêu, 41 Biện pháp thực hiện và 141 Chỉ số. Bao gồm các biện pháp giúp bảo vệ chất lượng nước, đa dạng sinh học, môi trường sống của động vật hoang dã, các loài có nguy cơ bị đe dọa và các khu rừng có giá trị bảo tồn đặc biệt.
- Tiêu chuẩn nguồn cung ứng sợi SFI: Dành cho các tổ chức không sở hữu hoặc quản lý đất nhưng thu mua gỗ trực tiếp từ rừng được bên thứ ba. SFI sẽ đánh giá theo 13 Nguyên tắc, 11 Mục tiêu, 29 Biện pháp thực hiện và 59 Chỉ số với nội dung chính gồm: các biện pháp đảm bảo duy trì đa dạng sinh học, tuân theo các hoạt động quản lý và khai thác rừng bền vững.
- Tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm SFI: Áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào cung cấp, xử lý, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ rừng được đánh giá theo Phần 4, Tiêu chuẩn và Quy tắc SFI 2022. Gồm các nội dung đảm bảo chất lượng các quy trình kiểm soát hàng tồn kho, đào tạo nhân viên, báo cáo và lập hóa đơn.
- Tiêu chuẩn nguồn cung ứng SFI: Nguồn cung ứng phải tuân thủ các nguyên tắc trong Phần 14, Tiêu chuẩn và Quy tắc SFI 2022 được chứng nhận cho các nhà sản xuất sơ cấp và thứ cấp.
- Tiêu chuẩn mô hình quản lý rừng quy mô nhỏ dành cho người dân và gia đình bản địa SFI: Được đề cập tại Phần 13 trong Tiêu chuẩn và Quy tắc SFI 2022 nhằm đảm bảo các lợi ích và nghĩa vụ của người dân bản địa đối với việc bảo vệ và phát triển rừng.
- Tiêu chuẩn mô hình nhóm đất nhỏ SFI: Được thiết kế cho bất kỳ nhóm tổ chức nào sở hữu đất rừng. Tiêu chuẩn nguồn cung ứng sợi SFI được quy định tại Phần 13 trong Tiêu chuẩn và Quy tắc SFI 2022.
Vai trò của chứng chỉ SFI?
Ý nghĩa của của chứng chỉ SFI? Chứng chỉ SFI được cấp cho các tổ chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp, đảm bảo khai thác theo cách có trách nhiệm với môi trường. Đồng thời hỗ trợ tăng uy tín cho thương hiệu, nhờ đó mà người tiêu dùng dễ dàng quyết định mua sản phẩm của doanh nghiệp. Sau đây là các ý nghĩa chính của chứng chỉ SFI:
- Giúp bảo vệ môi trường: SFI đảm bảo rằng các doanh nghiệp tham gia chương trình phải thực hiện các biện pháp bảo vệ và bảo tồn môi trường: bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn quần thể động và thực vật quý hiếm, duy trì sự cân bằng tự nhiên.
- Giúp quản lý bền vững: Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quản lý các nguồn tài nguyên rừng đúng cách. Bao gồm việc sử dụng các phương pháp khai thác gỗ thân thiện với môi trường, tái tạo rừng sau khi khai thác và duy trì khả năng tái sinh.
- Giúp bảo vệ người lao động: Khi được tổ chức SFI công nhận, tổ chức phải đảm bảo điều kiện làm việc và tôn trọng quyền lợi người lao động.
- Giúp phát triển thương hiệu: Chứng chỉ SFI xác nhận các sản phẩm gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhờ đó giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy tiêu thụ.
- Giúp minh bạch và tăng sự tin cậy: Đây là một công cụ tin cậy và minh bạch cho người tiêu dùng và các bên liên quan, để xác định các sản phẩm gỗ thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý rừng.
Tóm lại, chứng chỉ SFI rất quan trọng trong việc bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên rừng, giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền lợi lao động và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm gỗ bền vững.
Lợi ích của chứng chỉ SFI?
Tại sao chứng chỉ SFI quan trọng trong ngành chế biến gỗ? Chứng chỉ SFI quan trọng trong ngành chế biến gỗ vì nó giúp tăng cường uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ gỗ trên thị trường. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân tăng cường bảo vệ môi trường, duy trì nguồn lợi rừng và thúc đẩy phát triển lâu dài. Các lợi ích cụ thể như sau:
- Bảo vệ môi trường: Đảm bảo rằng các nguồn cung cấp gỗ tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
- Quản lý bền vững: Đảm bảo các doanh nghiệp chế biến gỗ tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng.
- Đáp ứng yêu cầu thị trường: Giúp các sản phẩm gỗ tập trung đáp ứng yêu cầu cao từ phía khách hàng về chất lượng và nguồn gốc, và tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ trên thị trường quốc tế.
- Tăng cường uy tín và minh bạch: Chứng chỉ SFI là một công cụ giúp xác định nguồn gốc minh bạch của sản phẩm được làm từ gỗ. Đồng thời, giúp nâng cao uy tín của đơn vị sản xuất trong mắt người tiêu dùng.
- Thúc đẩy hợp tác: Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương để đảm bảo ngành chế biến gỗ phát triển lâu dài, và chung tay bảo vệ môi trường.
Các chứng nhận tương tự SFI.
Ngoài ra còn có chứng nhận nào tương tự SFI? Hiện nay cả thế giới đang quan tâm đến (1) Việc bảo vệ rừng; (2) Việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc gỗ hợp pháp; (3) Việc quản lý rừng và khai thác gỗ hiệu quả. Do đó, có nhiều tổ chức và chứng chỉ liên quan đến việc quản lý rừng tương tự như SFI sẽ là một tín hiệu tích cực. Trong trường hợp, bạn muốn tìm hiểu thêm thì Timber Phoenix gợi ý một số chương trình sau:
- Chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council): FSC giúp đảm bảo sản phẩm gỗ và rừng được quản lý đúng cách, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động và người dân địa phương. Bạn có thể xem thêm bài: Chứng chỉ FSC là gì? Khái niệm, vai trò và lợi ích? hoặc Website chính thức của tổ chức: www.fsc.org
- Chứng nhận PEFC (Programme for the Endorsement of Forest Certification): PEFC giúp chứng nhận cho các hệ thống quản lý rừng của các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Bạn có thể xem thêm bài: Chứng chỉ PEFC là gì? Khái niệm, vai trò và lợi ích? hoặc Website chính thức của tổ chức: www.pefc.org
- Chứng nhận CSA (Canadian Standards Association): CSA giúp xác nhận các sản phẩm gỗ đến từ rừng được quản lý chặt chẽ, an toàn tại Canada, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, xã hội và kinh tế. Website: www.csagroup.org
Kết luận.
Timber Phoenix hy vọng với những thông tin trong bài “Chứng chỉ SFI là gì? Khái niệm, vai trò và lợi ích?” ở trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với con người và môi trường sống. Hãy căn cứ vào các chứng nhận rừng để tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm gỗ chất lượng, vừa phát triển kinh tế và xã hội, vừa góp phần giảm thiểu nguy hại cho môi trường.