Màu sắc, vân gỗ, độ bóng và mùi hương là những đặc điểm giúp thể hiện tính thẩm mỹ của gỗ. Trong đó, màu sắc của gỗ hay thuật ngữ Tiếng Anh là Natural Wood Colors hoặc Wood Tones, vốn rất đa dạng, kể từ những tông màu sáng như trắng, vàng, hồng cho đến những tông màu sậm như nâu, tím đen… Mỗi màu sắc đều mang ý nghĩa tinh thần riêng và phù hợp cho từng không gian khác nhau. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Timber Phoenix khám phá màu sắc của gỗ là gì, bao gồm đặc điểm, vai trò và cách bảo quản màu sắc của gỗ luôn đẹp và bền bỉ qua thời gian.
Màu sắc của gỗ là gì? Đặc điểm, vai trò và cách bảo quản.
Đặc điểm về màu sắc của gỗ.
Màu sắc của gỗ có những đặc điểm gì? Màu sắc của sản phẩm gỗ không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng đánh giá và đưa ra sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ. Mà còn là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp ngành gỗ nghiên cứu và ứng dụng trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng, sản xuất đồ ngoại thất, nội thất hay đồ trang trí…
Màu sắc của gỗ có thể được phân biệt dựa trên nhiều đặc điểm khác nhau, bao gồm:
- Sắc độ: Dựa theo sắc độ, gỗ thường có màu sáng hoặc tối. Màu sáng bao gồm các màu như vàng, trắng… trong khi gỗ màu tối bao gồm các gam màu nâu, đen…
- Độ đậm nhạt: Cùng một màu sắc như vàng, nâu, hồng… nhưng từng loại gỗ sẽ thể hiện độ đậm nhạt khác nhau, từ những màu nhạt, tinh tế đến những gam màu đậm và nổi bật.
- Tông màu: Dựa theo tông màu, gỗ có thể được phân biệt thành hai loại chính, đó là tông màu lạnh như xanh, tím… và tông màu nóng như đỏ, vàng…
- Tính chất: Màu sắc của gỗ có thể đồng nhất hoặc không đồng nhất, được phân biệt dựa trên độ đồng đều về tông màu, sắc độ và độ đậm nhạt… trên bề mặt gỗ.
- Nguồn gốc: Bên cạnh màu sắc tự nhiên, hiện nay con người có thể chủ động tạo ra màu sắc thông qua quá trình sơn phủ, phủ bóng, hoặc nhuộm màu… (Tìm hiểu sơn phủ gỗ là gì?).
- Đặc điểm kỹ thuật: Các đặc điểm bề mặt như độ nhám, độ bóng và độ mịn… có ảnh hưởng đến màu sắc và vẻ đẹp của sản phẩm gỗ.
- Tính ổn định: Mỗi loại gỗ sẽ có khả năng duy trì màu sắc gốc khác nhau trong quá trình sử dụng. Vì vậy, chúng ta có thể thấy nhiều sản phẩm giữ được màu sắc ổn định qua thời gian, nhưng cũng có những loại rất nhanh chóng bị đổi màu. Điều này còn phụ thuộc vào đặc tính riêng của từng loại cây, phương pháp xử lý bề mặt và việc bảo trì trong quá trình sử dụng.
Việc hiểu rõ những khía cạnh khác nhau trong màu sắc của gỗ giúp người thợ mộc dễ dàng phân loại và lựa chọn những loại gỗ phù hợp cho từng dự án và mục tiêu cụ thể. Đồng thời, nhờ đó chúng ta có thể lựa chọn những sản phẩm gỗ có màu sắc phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng không gian sống và làm việc.
Xem thêm: Đặc tính của gỗ là gì? Gỗ có những đặc tính nào?
Yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc gỗ.
Màu sắc của gỗ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào? Màu sắc của gỗ có thể bị tác động và thay đổi bởi nhiều yếu tố, bao gồm:
- Loại gỗ khác nhau: Mỗi loại gỗ có màu sắc đặc trưng riêng, phụ thuộc vào thành phần hóa học và cấu trúc. Ví dụ, gỗ Sồi thường có màu vàng nâu, gỗ Óc Chó mang màu nâu nhạt, trong khi gỗ Mun nổi tiếng với màu đen tuyền.
- Tuổi thọ của cây: Độ tuổi là yếu tố quan trọng quyết định đến sắc độ và độ đậm nhạt của gỗ nhờ khả năng tích lũy các chất tạo màu qua thời gian sinh trưởng, như tannin, nhựa… Do đó, cây gỗ cần được quản lý và khai thác trong khoảng thời gian phù hợp để đảm bảo màu sắc tối ưu.
- Điều kiện trồng cây: Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở nơi trồng cây sẽ ảnh hưởng đến sắc thái của bề mặt gỗ. Ví dụ, gỗ Sồi được trồng ở vùng khí hậu ôn hòa sẽ có màu vàng nâu nhạt hơn gỗ cùng loại ở vùng khí hậu nhiệt đới.
- Quá trình xử lý gỗ: Quá trình xử lý như sơn gỗ, phủ bảo vệ, mài và đánh bóng… có thể tạo ra sự thay đổi về màu sắc hoặc bổ sung thêm các hiệu ứng trên bề mặt gỗ. Công đoạn này giúp tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của dự án. Ví dụ, gỗ Louro Gamela sau khi được sơn và phủ bóng sẽ có màu sắc đồng nhất và sáng bóng hơn.
- Độ ẩm của gỗ: Độ ẩm dư thừa sẽ ảnh hưởng đến sắc độ và tính ổn định của màu sắc gỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thường thực hiện công đoạn sấy gỗ để giúp màu sắc của sản phẩm đậm hơn và ổn định theo thời gian. Đồng thời, việc này còn giúp gỗ tăng khả năng chống chịu trước nhiều yếu tố gây hại như mối mọt, nấm mốc và tia UV…
- Điều kiện ánh sáng: Điều kiện ánh sáng tốt sẽ làm cho màu sắc của gỗ trở nên tươi sáng và sắc nét hơn. Chúng ta nên xem xét thêm yếu tố này để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng không gian khác nhau như sân vườn, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp…
Tóm lại, màu sắc không chỉ phản ánh đặc tính thẩm mỹ của từng loại gỗ, mà còn thể hiện điều kiện trồng cây, quá trình xử lý và môi trường sử dụng sản phẩm Chính vì vậy, khi lựa chọn gỗ để làm đồ nội thất, ngoại thất, trang trí hay sáng tạo nghệ thuật… Chúng ta nên hiểu các đặc tính của gỗ và biết được những yếu tố gây ảnh hưởng đến màu sắc của gỗ để lựa chọn sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu.
Các màu sắc gỗ phổ biến.
Gỗ tự nhiên có những màu sắc phổ biến nào? Dải màu sắc của gỗ rất đa dạng, kể từ màu vàng ấm áp cho đến những sắc đỏ rực rỡ, và thậm chí là màu đen huyền bí. Điều này giúp cho chúng ta dễ dàng lựa chọn những sản phẩm gỗ phù hợp với phong cách, cũng như gu thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Nhờ đó, góp phần làm không gian sống hoặc làm việc trở nên ấn tượng và đẹp mắt.
Một số màu sắc gỗ phổ biến hiện nay bao gồm:
- Màu vàng: Đây là màu sắc phổ biến nhất của gỗ, thường thấy ở các loại gỗ như gỗ Sồi, Gụ…
- Màu nâu: Màu nâu cũng là một màu sắc phổ biến của gỗ, thường thấy ở các loại gỗ như gỗ Óc Chó, Cedrinho…
- Màu đen: Màu đen thường thấy ở các loại gỗ quý hiếm như gỗ Mun, Trắc…
- Màu trắng: Màu trắng là một trong những màu sắc tự nhiên thể hiện sự tinh tế và nhẹ nhàng trong không gian sống, thường thấy ở một số loại gỗ như gỗ Phong Trắng, Thông Trắng, Sồi Trắng…
- Màu đỏ: Gỗ có màu đỏ phổ biến như gỗ Gõ Đỏ và Giáng Hương, thường là nguyên liệu tạo ra các sản phẩm nội thất hoặc trang trí với vẻ đẹp quyến rũ và ấm áp.
- Màu tím: Gỗ có màu tím thường khá hiếm nên có giá trị thương mại cao như gỗ Hương Tím, Cẩm Lai… tạo ra sự sang trọng và độc đáo cho các sản phẩm nội thất cao cấp.
Bên cạnh những màu sắc phổ biến đã trình bày ở trên, gỗ còn sở hữu hàng loạt các sắc thái khác nhau như hồng, nâu hồng, nâu đỏ… phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc tính của gỗ, môi trường sinh trưởng và quá trình xử lý. Điều này giúp thị trường ngành gỗ xuất hiện nhiều sản phẩm độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhằm tạo ra những sản phẩm có màu sắc ấn tượng, nhiều doanh nghiệp trong nước có sự chuyển dịch sang sử dụng các loại gỗ nhập khẩu, đồng thời tích cực nâng cấp và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Do đó, việc lựa chọn được nhà cung cấp gỗ uy tín là một yếu tố quan trọng hàng đầu, kinh nghiệm là chúng ta nên sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu được cấp chứng chỉ rừng như là FSC, SFI, PEFC và một số chứng chỉ khác. (Tìm hiểu chứng chỉ FSC là gì?).
Xem thêm: Danh sách các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam.
Ý nghĩa của màu sắc gỗ.
Màu sắc của gỗ có ý nghĩa gì? Màu sắc của gỗ không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ của sản phẩm, mà còn có ý nghĩa sâu xa, đặc biệt trong lĩnh vực phong thủy và thiết kế nội thất. Mỗi tông màu mang theo một thông điệp và cảm xúc riêng, góp phần tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa thị giác và tâm hồn:
- Màu vàng: Màu vàng biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, và giàu có. Sản phẩm gỗ có màu vàng đem lại cảm giác phồn thịnh và hạnh phúc.
- Màu nâu: Màu nâu tượng trưng cho sự vững chãi và ổn định. Gỗ màu nâu thường giúp gia chủ có tinh thần thoải mái và thư giãn.
- Màu đen: Màu đen thể hiện một sự nghiêm trang và uy quyền. Sản phẩm gỗ có màu đen đặt ở phòng khách hoặc văn phòng giúp thể hiện quyền lực và sự kiên nhẫn của chủ sở hữu.
- Màu trắng: Màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng, tinh khiết và đơn giản. Sản phẩm gỗ màu trắng giúp không gian trở nên thoải mái và thư giãn.
- Màu đỏ: Màu đỏ thường biểu thị cho sự nhiệt tình, đam mê và tình yêu. Các không gian như phòng ngủ, phòng khách, phòng tiệc… có những sản phẩm màu đỏ sẽ tăng thêm sự độc đáo và vẻ đẹp bí ẩn.
- Màu tím: Màu tím là màu sắc tượng trưng của nhiều ý nghĩa, bao gồm sự sang trọng, độc đáo, sáng tạo và mềm mại. Gỗ có màu tím giúp không gian trở nên ấn tượng và tinh tế.
Như vậy, màu sắc của gỗ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế nội thất, giúp mang lại nhiều giá trị cho không gian sống. Kể từ màu vàng sáng biểu trưng cho sự may mắn, cho đến màu đen sang trọng, huyền bí biểu trưng cho quyền lực và sự kiên nhẫn. Tất cả đều góp phần làm giá tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời giúp truyền tải những ý nghĩa tinh thần đặc biệt.
Xem thêm: Tính thẩm mỹ của gỗ là gì? Các đặc điểm thẩm mỹ của gỗ phổ biến.
Cách chọn màu sắc gỗ phù hợp.
Những điều cần lưu ý khi lựa chọn màu sắc? Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng về mức độ phù hợp của màu sắc gỗ đối với không gian sống và làm việc, cụ thể như sau:
- Phong cách thiết kế: Màu sắc gỗ cần phù hợp với thiết kế của không gian và thể hiện được phong cách cá nhân của gia chủ. Ví dụ, trong trường hợp bạn muốn tạo ra một không gian nội thất hiện đại và thanh lịch, thì nên lựa chọn các loại gỗ có màu sáng như gỗ Óc Chó hoặc gỗ Thông. Ngược lại, loại gỗ có màu Sẫm như gỗ Mun và Gụ sẽ phù hợp với không gian cổ điển và cần sự ấm cúng.
- Mục đích sử dụng: Màu sắc gỗ sẽ ảnh hưởng đến mục đích sử dụng của sản phẩm. Ví dụ, nếu bạn có ý định sử dụng sản phẩm trong văn phòng, thì các loại gỗ có màu sắc trung tính như gỗ Sồi hoặc gỗ Cedrinho sẽ giúp không gian trở nên thoải mái, tăng sự tập trung và sáng tạo trong công việc.
- Điều kiện ánh sáng: Màu sắc gỗ có thể thay đổi theo điều kiện ánh sáng. Ví dụ, trong những không gian có nhiều ánh sáng như phòng khách, sân vườn… sẽ giúp màu sắc trở nên nổi bật và ấn tượng hơn.
- Bố cục không gian: Hãy cân nhắc đến cách màu sắc gỗ được thể hiện khi kết hợp với những màu khác trong không gian như sơn tường, tranh ảnh, hoặc đèn trang trí… Việc này giúp đảm bảo tổng thể hài hòa và nâng cao tính thẩm mỹ của không gian phòng khách, phòng ngủ, văn phòng…
- Khả năng duy trì: Ngoài những yếu tố trên, bạn nên cân nhắc về thời gian mà mình có thể dành ra để chăm sóc sản phẩm. Nếu như bạn là người bận rộn, hãy lựa chọn gỗ có màu tối như gỗ Mun, Giáng Hương vì chúng không dễ để lộ các vết trầy xước và bụi bẩn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên dành thời gian để vệ sinh và bảo trì để giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
Kết luận lại, việc lựa chọn màu sắc gỗ không chỉ dựa vào nhu cầu thẩm mỹ, mà còn yêu cầu chúng ta cân nhắc kỹ lưỡng về phong cách cá nhân, mục đích sử dụng, điều kiện ánh sáng, và khả năng duy trì… Khi đã xem xét những lưu ý đã được trình bày ở trên và biết cách phối hợp chúng với nhau, bạn có thể tạo ra không gian sống và làm việc vừa đẹp mắt vừa hài hòa.
Cách bảo quản màu sắc gỗ bền đẹp.
Kinh nghiệm giúp bảo quản màu sắc gỗ bền đẹp? Để bảo vệ màu sắc của gỗ, cũng như duy trì vẻ đẹp của sản phẩm, có một số yếu tố quan trọng cần chúng ta xem xét bao gồm:
- Bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời: Tránh đặt sản phẩm gỗ trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, vì yếu tố này có thể làm phai màu gỗ theo thời gian. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp như tẩm bảo vệ, sơn phủ gỗ… để tăng khả năng chống chịu và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
- Tránh tiếp xúc với nước: Sản phẩm gỗ được sấy nhằm đạt được độ ẩm lý tưởng và tăng khả năng chống chịu các yếu tố gây hại từ môi trường như mối mọt, nấm mốc… Vì vậy, hãy tránh để gỗ tiếp xúc trực tiếp với nước để ngăn chặn sự thay đổi độ ẩm, khiến chúng dễ bị biến dạng và thay đổi màu sắc. (Tìm hiểu tác nhân gây hại cho gỗ là gì?).
- Tránh ảnh hưởng bởi nhiệt độ: Chúng ta nên đảm bảo rằng sản phẩm gỗ không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột do ánh nắng hoặc vật dụng nóng, lạnh… Đây là những tác nhân có thể làm gỗ bị nứt nẻ hoặc biến đổi màu sắc một cách không mong muốn.
- Thực hiện vệ sinh định kỳ: Thường xuyên vệ sinh bằng cách quét hoặc lau chùi bề mặt gỗ để loại bỏ bụi bẩn và duy trì khả năng bảo vệ của lớp phủ bên ngoài. Ngoài ra, điều này còn giúp sản phẩm giữ được màu sắc ban đầu trong thời gian dài.
- Sử dụng lớp phủ bảo vệ gỗ: Áp dụng các lớp sơn phủ và tẩm bảo vệ như sơn màu, phủ bóng hoặc chất phủ chống nước, tia UV… Chúng đóng vai trò bảo vệ gỗ tránh khỏi nhiều yếu tố gây hại từ môi trường tự nhiên như ánh nắng mặt trời, nước… đồng thời giúp giảm thiểu tình trạng phai màu.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc gỗ: Có nhiều sản phẩm chăm sóc gỗ chuyên dụng như sáp chống nước, dầu lau gỗ và kem làm sạch… Chúng ta có thể lựa chọn phương pháp phù hợp để bảo vệ màu sắc, cũng như duy trì tính thẩm mỹ của gỗ trong suốt quá trình sử dụng.
- Tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh: Các chất tẩy rửa mạnh có thể làm mất tác dụng của lớp bảo vệ gỗ như sơn nước hoặc chất phủ bảo vệ, bao gồm việc phai màu, thay đổi cấu trúc và giảm tuổi thọ của sản phẩm. Do đó, chúng ta nên tránh lựa chọn những loại hóa chất có tính tẩy mạnh và kém chất lượng trên thị trường.
- Bảo trì và sửa chữa kịp thời: Việc vệ sinh định kỳ hoặc bảo trì thường xuyên giúp chúng ta sớm phát hiện các vết trầy xước hoặc dấu hiệu nứt, gãy… trên bề mặt gỗ. Nhờ đó, có thể tiến hành các biện pháp sửa chữa kịp thời để giúp bảo vệ màu sắc và chất lượng gỗ.
Những biện pháp bảo quản màu sắc của gỗ trên đây không chỉ giúp duy trì vẻ đẹp, mà còn góp phần tăng cường khả năng bảo vệ và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Bằng việc thực hiện quy trình bảo quản đúng cách, chúng ta có thể giữ nguyên vẹn màu sắc cũng như vẻ đẹp của gỗ, giúp không gian sống và làm việc luôn đẹp mắt và mang đến sự thoải mái.
Xem thêm: Bảo quản gỗ là gì? Vai trò và ứng dụng của bảo quản gỗ.
Kết luận.
Thông qua sự tìm hiểu màu sắc của gỗ là gì, kể từ đặc điểm, vai trò cho đến ý nghĩa và cách bảo quản sản phẩm, mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra màu sắc của gỗ có sự ảnh hưởng lớn tính thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm gỗ, chúng ta có cảm thấy thoải mái khi ở trong một không gian xuất hiện nhiều đồ gỗ hay không được quyết định bởi màu sắc. Do đó, chúng ta nên lựa chọn những màu sắc phù hợp với phong cách cá nhân, hài hòa với không gian tổng thể, kể từ phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ cho đến nơi làm việc.