Trám gỗ, chà nhám, đánh bóng hoặc sơn phủ… là một số biện pháp phổ biến giúp khắc phục các khuyết điểm trên sản phẩm gỗ, bao gồm biến dạng, cong vênh, trương nở, co ngót, lồi lõm, sần sùi, phai màu hoặc nứt nẻ… Trong đó, trám gỗ theo thuật ngữ tiếng Anh gọi là Filling Holes on Wood, được nhiều người áp dụng để khắc phục vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước, hoặc khuyết điểm khác do lực tác động mạnh hay côn trùng gây ra trên gỗ. Việc này giúp bề mặt gỗ khôi phục lại độ nhẵn mịn, góp phần đảm bảo sản phẩm thực hiện đúng chức năng, độ bền, hiệu suất sử dụng, tuổi thọ và tính thẩm mỹ. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Timber Phoenix khám phá sâu hơn về các bước trong quy trình trám gỗ, kể từ chuẩn bị nguyên liệu, xác định và làm sạch vị trí trám, thực hiện trám gỗ, mài mịn cho đến sơn phủ bề mặt của sản phẩm.
Tìm hiểu các bước trong quy trình trám gỗ.
Bước 1 – Chuẩn bị vật liệu trám.
Công đoạn chuẩn bị vật liệu trám được thực hiện như thế nào? Công đoạn chuẩn bị đầy đủ các công cụ và nguyên liệu giúp quy trình trám gỗ được thực hiện một cách liên tục. Ngoài ra, người thợ cần biết cách áp dụng những kỹ thuật phù hợp, giúp đảm bảo sản phẩm gỗ sau khi trám có bề mặt nhẵn mịn, không dễ bị bong tróc hay nứt nẻ.
Cụ thể, công đoạn chuẩn bị trước khi tiến hành quy trình trám gỗ được thực hiện như sau:
- Chuẩn bị công cụ: Công cụ nên được lựa chọn sao cho phù với mức độ phức tạp của vết trám và chi phí thực hiện. Mỗi phương pháp trám gỗ sẽ yêu cầu chuẩn bị các dụng cụ khác nhau. Ví dụ, một số công cụ thủ công như dùi, đục, bay, giấy nhám, cọ sơn… hoặc những loại máy móc hiện đại như máy trám, máy khoan, máy mài…
- Chuẩn bị nguyên liệu trám: Hiện nay, có nhiều loại nguyên liệu trám gỗ khác nhau, như bột gỗ, bột trét, nhựa, epoxy, keo trám, sáp ong… Chúng ta nên lựa chọn loại vật liệu có độ bền, độ cứng cũng như màu sắc phù hợp với sản phẩm gỗ. Đồng thời, chúng ta cần đảm bảo đủ số lượng nguyên liệu cần thiết để làm đầy vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước, hoặc khuyết điểm khác do lực tác động mạnh hay côn trùng gây hại.
- Chuẩn bị sơn phủ: Bên cạnh công cụ và nguyên liệu trám, sơn phủ cũng là một loại hóa chất cần thiết trong quá trình trám gỗ. Bởi vì sơn cùng với chất phủ bảo vệ không chỉ giúp tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm, mà còn giúp bảo vệ gỗ trước các tác động tiêu cực của môi trường hay lực tác động mạnh.
Xem thêm: Trám gỗ là gì? Đặc điểm, vai trò và ứng dụng.
Bước 2 – Xử lý vị trí trám.
Công đoạn làm sạch được thực hiện như thế nào? Trước khi thực hiện công đoạn chính trong quy trình trám gỗ, chúng ta cần xác định vị trí, xử lý và vệ sinh những khuyết điểm trên sản phẩm. Việc này vừa giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ hay tạp chất trên bề mặt gỗ, vừa giúp tạo độ nhám để nguyên liệu trám có thể bám dính tốt hơn.
Cụ thể, công đoạn xử lý trước khi tiến hành quá trình trám gỗ được thực hiện như sau:
- Xác định vị trí trám: Đầu tiên, chúng ta cần xác định vị trí của khuyết điểm cần trám, ví dụ như vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước, hoặc ảnh hưởng do lực tác động mạnh hay côn trùng gây hại.
- Xử lý vị trí trám: Sau đó, chúng ta sẽ loại bỏ phần khuyết điểm bằng các dụng cụ như giấy nhám, dao, đục… nhằm hạn chế tình trạng mối mọt hay côn trùng còn sót lại có thể làm gỗ bị hư hỏng nặng hơn. Trong đó, việc chà nhám không chỉ giúp loại bỏ các tạp chất nhỏ trên bề mặt gỗ, mà còn tạo độ nhám, giúp nguyên liệu trám bám dính tốt hơn.
- Vệ sinh vị trí trám: Cuối cùng, chúng ta cần vệ sinh sạch sẽ vị trí cần trám, nhằm loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, dầu mỡ, và các tạp chất còn sót lại. Việc này sẽ giúp đảm bảo nguyên liệu trám được bám vào một cách bền bỉ, góp phần gia tăng tính thẩm mỹ trên bề mặt của sản phẩm.
Tóm lại, sau khi được xử lý, lỗ hoặc vết nứt trên bề mặt gỗ đã sạch sẽ, đảm bảo không còn tạp chất, bụi bẩn hay những loại côn trùng nhỏ bám vào. Điều này tạo điều kiện cho công đoạn trám gỗ sau đó được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Xem thêm: Bề mặt gỗ là gì? Đặc điểm, vai trò và cách bảo quản.
Bước 3 – Thực hiện trám gỗ.
Công đoạn trám gỗ được thực hiện như thế nào? Đây là công đoạn chính của quy trình trám gỗ, giúp lấp đầy các vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước, hoặc do lực tác động mạnh hay côn trùng gây hại trên gỗ, nhờ đó mà bề mặt của sản phẩm trở nên nhẵn mịn và đều màu. Để đạt được kết quả tốt nhất, chúng ta nên thực hiện công đoạn này theo từng bước cơ bản như sau:
- Trộn vật liệu trám: Đầu tiên, chúng ta cần trộn nguyên liệu trám với dung môi nước, dầu hoặc chất kết dính theo tỷ lệ phù hợp, nhằm đảm bảo đạt được độ dẻo cần thiết. Nhờ đó, giúp việc tạo hình theo vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước… trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, hỗn hợp trám phải đáp ứng yêu cầu về độ bền và độ cứng khi khô lại, góp phần bảo vệ tốt cho sản phẩm gỗ trong thời gian lâu dài.
- Trám vào khuyết điểm: Sau khi đã có được hỗn hợp nguyên liệu trám phù hợp, chúng ta tiến hành trám vào khuyết điểm bằng dao, bay hoặc dụng cụ có chức năng tương tự. Hỗn hợp này cần được trét đếu sao cho lấp đầy hoàn toàn những vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước… Đồng thời, hạn chế tạo ra quá nhiều bọt khí, bởi vì sẽ làm giảm độ bền và hiệu quả của vật liệu trám.
- Gạt bỏ phần dư thừa: Khi nguyên liệu trám chưa kịp khô lại, chúng ta nên nhanh chóng gạt bỏ phần dư thừa, nhằm giúp cho bề mặt gỗ trở nên phẳng hơn, không bị gồ ghề. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý để không loại bỏ quá nhiều chất trám, điều này có thể khiến cho mặt gỗ bị lõm, gây mất thẩm mỹ.
Như vậy, sau khi chúng ta áp dụng nguyên liệu trám, thì vết lõm gỗ, vết nứt hoặc trầy xước đã được khắc phục, giúp cho bề mặt chi tiết gỗ trở nên bằng phẳng và thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần hong khô tại vị trí trám để tiến hành mài mịn và sơn phủ, giúp đảm bảo sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất.
Xem thêm: Khuyết điểm của gỗ là gì? Các khuyết điểm phổ biến của gỗ và cách khắc phục.
Bước 4 – Mài mịn bề mặt.
Công đoạn mài mịn bề mặt gỗ được thực hiện như thế nào? Công đoạn này được thực hiện ngay khi nguyên liệu trám đã khô và cứng lại, nhằm giúp cho bề mặt gỗ mịn màng, không để lại vết xước hay tạp chất.
Cụ thể, công đoạn mài mịn bề mặt gỗ trong quy trình trám gỗ được thực hiện như sau:
- Mài mịn vết trám: Chúng ta có thể sử dụng giấy nhám hoặc máy chà nhám để làm cho vết trám trở nên bằng phẳng so với bề mặt gỗ. Lưu ý không làm cho sản phẩm bị gồ ghề hoặc xuất hiện vết lõm.
- Mài bề mặt gỗ: Tiếp theo, chúng ta cần tiến hành kiểm tra toàn bộ bề mặt của sản phẩm gỗ, đặc biệt là những vị trí xung quanh vết trám. Nếu xuất hiện tạp chất hoặc vết gồ ghề mất thẩm mỹ, thì cần tiến hành chà nhám để cho bề mặt gỗ trở nên phẳng mịn và có màu sắc đồng nhất.
- Kiểm tra lại toàn bộ bề mặt gỗ: Cuối cùng, chúng ta cần tiến hành kiểm tra lại toàn bộ sản phẩm để đảm bảo bề mặt gỗ đã phẳng mịn và không còn nhìn thấy dấu hiệu mất thẩm mỹ của khuyết điểm. Điều này giúp cho quá trình sơn phủ sau đó được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Tóm lại, sau công đoạn mài mịn của quy trình trám, toàn bộ bề mặt của sản phẩm gỗ đã trở nên mịn màng và có màu sắc đồng nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nâng cao tính thẩm mỹ của chúng bằng cách sơn màu hoặc đánh bóng.
Xem thêm: Tìm hiểu các bước trong quy trình xử lý bề mặt gỗ.
Bước 5 – Sơn phủ bề mặt.
Công đoạn sơn phủ bề mặt sản phẩm được thực hiện như thế nào? Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình trám gỗ, yêu cầu người thợ áp dụng lớp sơn màu hoặc một số chất bảo vệ, như chất chống thấm, chống mối mọt, chống nấm mốc, chống cháy… lên trên bề mặt gỗ. Nhờ đó, nguyên liệu trám cũng có thể được bảo vệ một cách lâu dài hơn, giúp cho sản phẩm duy trì chức năng, hiệu suất sử dụng, độ bền và tính thẩm mỹ trong thời gian dài. Ngoài ra, chúng ta nên lựa chọn chất phủ phù hợp với từng loại gỗ và nguyên liệu trám để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, trám gỗ chỉ là một trong những biện pháp giúp xử lý khuyết điểm hoặc khi cấu trúc gỗ đã bị biến đổi. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thì sản phẩm gỗ vẫn có thể bị biến dạng, cong vênh, co ngót, sần sùi, phai màu, nứt nẻ hoặc mục nát… Do đó, điều quan trọng nhất là chúng ta nên thường xuyên chăm sóc và bảo trì một cách đều đặn.
Xem thêm: Sơn phủ gỗ là gì? Đặc điểm, vai trò và ứng dụng.
Kết luận.
Thông qua sự tìm hiểu các bước trong quy trình trám gỗ, bao gồm chuẩn bị nguyên liệu, xác định và làm sạch vị trí trám, thực hiện trám gỗ, mài mịn cùng với sơn phủ bề mặt mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra trám gỗ là một trong những biện pháp khắc phục khuyết điểm của gỗ hiệu quả, chẳng hạn như các vết lõm gỗ, nứt nẻ, trầy xước, hoặc tình trạng hư hại do lực tác động mạnh hay côn trùng gây ra. Quá trình này không chỉ giúp cho sản phẩm gỗ hoạt động ổn định hơn, mà còn góp phần tăng cường độ bền, hiệu suất sử dụng, tuổi thọ và duy trì tính thẩm mỹ.