Gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với quy mô kim ngạch lớn nhất, chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu. Sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đang có mặt ở 40 thị trường, trong đó có 9 thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia, Đức, Malaysia. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Timber Phoenix tìm hiểu tổng quan về những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và tiềm năng phát triển của ngành hàng này.
Tổng quan về những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Xuất khẩu đồ gỗ.
Thực trạng về xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam ra sao? Chúng ta hãy cùng phân tích tình hình xuất khẩu của các sản phẩm gỗ chủ lực trong năm 2022, dựa trên số liệu từ Tạp Chí Gỗ Việt như sau: Nhóm đồ gỗ (HS 9403) là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị 6,83 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021 và chiếm 43,6% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG. Nhóm sản phẩm này bao gồm đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng, được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh.
Sự tăng trưởng ấn tượng của nhóm đồ gỗ (HS 9403) cho thấy tiềm năng to lớn của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hầu hết đồ gỗ xuất khẩu của chúng ta hiện nay đều thông qua thương hiệu của các nước khác. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa có thương hiệu đồ gỗ nào được thị trường quốc tế biết đến và ghi nhận. – Nguồn: Báo Thanh Niên.
Để giải quyết bài toán này, việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vô cùng cần thiết. Trong đó, chất lượng của sản phẩm gỗ được quyết định bởi tính năng, độ bền, độ cứng, hiệu suất sử dụng, tuổi thọ và cả tính thẩm mỹ. Đây là những yếu tố then chốt giúp ngành gỗ Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, đồng thời vươn tầm quốc tế và tạo dựng thương hiệu riêng cho mình.
Xuất khẩu ghế khung gỗ.
Thực trạng về xuất khẩu ghế khung gỗ của Việt Nam ra sao? Ghế ngồi (HS 9401) là một trong những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Nhóm sản phẩm này bao gồm ghế ngồi (trừ các loại thuộc nhóm 94.02), có hoặc không chuyển được thành giường, và bộ phận của chúng, như ghế khung gỗ, ghế dùng cho máy bay, ghế dùng cho xe có động cơ, ghế mây, tre… Năm 2022, xuất khẩu mặt hàng ghế ngồi đạt 2,98 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, đây vẫn là sản phẩm G&SPG chủ lực, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng ghế khung gỗ đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ, bởi đây là mặt hàng xuất khẩu có trị giá chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Cụ thể trong 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu ghế khung gỗ đạt 1,1 tỷ USD; nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 750 triệu USD; đồ nội thất phòng ngủ đạt 581 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của mặt hàng này trong tương lai. – Nguồn: Vietnambiz.
Xuất khẩu dăm gỗ.
Thực trạng về xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam ra sao? Dăm gỗ (Wood Chips) là sản phẩm được chế biến từ các loại gỗ tạp, gỗ nhỏ, cành cây, ngọn cây sau khi khai thác hoặc từ các phế liệu gỗ trong quá trình chế biến gỗ. Dăm gỗ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, bột giấy và một số sản phẩm khác như ván dăm, ván ép.
Năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ (HS 4401.22) đạt 15,81 triệu tấn, kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và 60,4% về giá trị so với năm 2021. Dăm gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt Nam, chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Xuất khẩu gỗ dán.
Thực trạng về xuất khẩu gỗ dán/gỗ ghép của Việt Nam ra sao? Gỗ dán/gỗ ghép (Plywood) là sản phẩm được tạo ra từ các lớp gỗ mỏng được lạng mỏng và liên kết với nhau bằng keo dán dưới áp suất cao. Sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội như độ bền cao, khả năng chống cong vênh, co ngót tốt, giá thành hợp lý và đa dạng về mẫu mã.
Năm 2022, xuất khẩu gỗ dán/gỗ ghép của Việt Nam đạt 2,74 triệu m3, kim ngạch đạt 1,03 tỷ USD, giảm 5,1% về lượng và 4,3% về giá trị so với năm 2021. Tuy có sự sụt giảm nhẹ, gỗ dán/gỗ ghép vẫn là một trong những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của nước ta, chiếm 6,6% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG
Xuất khẩu viên nén.
Thực trạng về xuất khẩu viên nén của Việt Nam ra sao? Viên nén (Wood Pellets/Pellets Fuel) là một sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được sản xuất từ dăm bào, mùn cưa và các phụ phẩm khác của ngành chế biến gỗ. Viên nén được nén chặt dưới áp suất cao, tạo thành dạng viên trụ nhỏ gọn, có khả năng cháy cao và ít tạo ra khí thải độc hại.
Năm 2022, xuất khẩu viên nén của Việt Nam đạt 4,88 triệu tấn, kim ngạch đạt 787,1 triệu USD, tăng 39,4% về lượng và 90,6% về giá trị so với năm 2021, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị thế của viên nén trong ngành gỗ xuất khẩu của nước ta.
Xuất khẩu ván bóc.
Thực trạng về xuất khẩu ván bóc của Việt Nam ra sao? Ván bóc, còn được gọi là ván lạng hay ván Veneer, là những tấm gỗ mỏng được lạng từ những khúc gỗ tròn. Với độ dày từ 0.3 đến 0.6 mm, ván bóc đóng vai trò quan trọng trong sản xuất ván ép, góp phần tạo nên sự đa dạng cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ván bóc đạt 175,91 triệu USD, tương đương 1,05 triệu m3. Tuy có sự sụt giảm về lượng và giá trị so với năm 2021 (lần lượt giảm 47,9% về lượng và 19,1% về giá trị), ván bóc vẫn khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của nước ta, chiếm 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG.
Xuất khẩu gỗ tròn.
Thực trạng về xuất khẩu gỗ tròn của Việt Nam ra sao? Gỗ tròn là nguyên liệu thô được khai thác từ những cây gỗ lớn trong rừng, sau đó được cắt tỉa thành dạng hình trụ tròn với độ dài và đường kính khác nhau. Gỗ tròn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, là nguồn nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất các sản phẩm như ván ép, đồ nội thất, sàn gỗ…
Trong khi hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về chế biến gỗ, các doanh nghiệp trong nước còn thiếu hụt nguyên liệu thì Việt Nam vẫn cho xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ nên vừa ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu gỗ, vừa không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, từ ngày 15/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông Tư số 44/2018/TT-BCT, quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập và tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên của Lào và Campuchia. Mục tiêu là hạn chế các hành vi gian lận thương mại và đảm bảo nguồn nguyên liệu, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước.
Đồng thời, căn cứ Phụ Lục 1 ban hành kèm theo Nghị Định 69/2018/NĐ-CP về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thì gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước thuộc danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu ra nước ngoài. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng khả năng xuất khẩu gỗ tròn của Việt Nam là rất thấp, nếu có thì không phải là nguồn rừng tự nhiên trong nước, và cũng không phải từ Lào và Campuchia. Thực tế thì trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 2,53 triệu m3 gỗ tròn, tương đương kim ngạch gần 748,2 triệu USD để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.
Xem thêm: Gỗ tròn là gì? Đặc điểm, ứng dụng và cách phân loại.
Xuất khẩu gỗ xẻ.
Thực trạng về xuất khẩu gỗ xẻ của Việt Nam ra sao? Gỗ xẻ là sản phẩm được chế biến từ thân cây gỗ, được cắt thành các kích thước và hình dạng khác nhau, phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng đa dạng trong ngành xây dựng, nội thất và thủ công mỹ nghệ.
Tương tự như gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên trong nước cũng thuộc danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu. Trong năm 2022, Việt Nam cũng phải nhập khẩu gần 2,7 triệu m3 gỗ xẻ, tương đương kim ngạch gần 1,2 tỷ USD. Nâng tổng số lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu lên 5,23 triệu m3, tương đương kim ngạch gần 2 tỷ USD. Tình trạng này cho thấy sự phụ thuộc lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Xem thêm: Gỗ xẻ là gì? Định nghĩa, đặc điểm và ứng dụng.
Kết luận.
Thông qua sự tìm hiểu tổng quan về những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra ngành gỗ Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên cũng đang đối mặt với một số thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên đang dần cạn kiệt, và các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính Phủ, ngành gỗ sẽ có thể giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.