Ngành gỗ Việt Nam đang trên đà phát triển một cách mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo ra nhiều việc làm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, ngành gỗ cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế cần được giải quyết như là nguồn nguyên liệu, vốn đầu tư, khả năng tiếp cận công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm… để có thể phát triển một cách bền vững. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Timber Phoenix tìm hiểu về những hạn chế mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt để cùng tháo gỡ rào cản và thúc đẩy ngành gỗ phát triển.
Những hạn chế mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt.
Hạn chế về nguồn nguyên liệu.
Những hạn chế về nguồn nguyên liệu mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Mặc dù là quốc gia sở hữu diện tích rừng trồng lớn, Việt Nam lại đang đối mặt với hạn chế về nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ, một yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của ngành này.
Vấn đề then chốt nằm ở chỗ phần lớn diện tích rừng trồng hiện nay tập trung vào các loại cây gỗ nhỏ, chủ yếu phục vụ cho sản xuất gỗ dăm và viên nén. Cục Lâm Nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết, tổng diện tích rừng trồng keo hiện nay ở Việt Nam là hơn 1 triệu ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, để sản xuất đồ gỗ cao cấp, nhằm mang về giá trị kinh tế cao, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài, với số lượng mỗi năm lên đến 5 – 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ từ hơn 100 quốc gia nhằm phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. – Nguồn: Báo Chính Phủ.
Bên cạnh, nhu cầu nội địa tăng cao gây nên áp lực cho nguồn cung nguyên liệu thì việc thương nhân Trung Quốc tìm đến Việt Nam thu mua nguyên liệu sau khi chính sách đóng cửa rừng tự nhiên tại 14 tỉnh được áp dụng vào năm 2017, gây thiếu hụt 50% nguyên liệu sản xuất càng khiến cho tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu gỗ thêm trầm trọng hơn. Doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản xuất cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. – Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư.
Xem thêm: Giải pháp giúp xây dựng nguồn gỗ bền vững trong ngành gỗ.
Hạn chế về nguồn nhân lực.
Những hạn chế về nguồn nguồn nhân lực mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Bên cạnh những thế mạnh, ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó vấn đề nguồn nhân lực là một trong những thách thức lớn nhất.
Mặc dù Việt Nam có dân số ở trong độ tuổi lao động cao, khoảng 55 triệu người, chiếm 60% cơ cấu dân số, nhưng hầu hết là lao động phổ thông. Ngành gỗ đang thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao, trình độ quản lý, khả năng sáng tạo. Hay còn gọi là nguồn lao động có khả năng tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, có giá trị, góp phần tạo dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp và cho cả ngành gỗ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp, hiện tại ngành gỗ cần khoảng trên 500.000 người lao động và hơn 1 triệu người phụ thuộc vào ngành. Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến ngành sẽ cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học trở lên và hơn 445.200 công nhân kỹ thuật cao. – Nguồn: Tạp Chí Gỗ Việt.
Xem thêm: Giải pháp giúp nâng cao trình độ chuyên môn trong ngành gỗ.
Hạn chế về nguồn vốn đầu tư.
Những hạn chế về nguồn vốn đầu tư mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Mặc dù số lượng doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam hiện nay khá lớn, lên đến 5.400 đơn vị, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn hạn hẹp. Theo thống kê, đang hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đồng thời thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, công nghệ, nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường.
Tình trạng thiếu vốn đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể là doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư vào máy móc hiện đại, công nghệ hiện đại, dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Chính sách hỗ trợ vay vốn từ Chính Phủ và các tổ chức tín dụng tuy có nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Doanh nghiệp ngành gỗ thường gặp rào cản trong việc đáp ứng các tiêu chí vay, thủ tục vay vốn phức tạp, tài sản thế chấp, lãi suất ngân hàng cao… khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn.
Hạn chế về tiếp cận công nghệ.
Những hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Hạn chế về quy mô và năng lực tài chính là rào cản lớn khiến phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến họ thiếu nguồn lực để đầu tư vào các thiết bị và phần mềm tiên tiến. Đa số máy móc sử dụng tại làng nghề gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức giá rẻ dẫn đến thiếu an toàn, thiếu hướng dẫn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để vận hành và bảo trì máy móc hiện đại cũng là một vấn đề nan giải. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên có kiến thức chuyên môn sâu và khả năng thích ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này còn hạn chế, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không thể khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ.
Thị trường tiêu thụ không ổn định cũng ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm có số lượng đặt hàng ổn định năm này qua năm khác và mẫu mã tương đồng, việc đầu tư máy móc hiện đại sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, với những đơn hàng số lượng ít (khoảng 500 – 1.000 sản phẩm/tháng), việc nhập thiết bị tự động chưa thực sự cần thiết. Do đó, doanh nghiệp e ngại đầu tư vào máy móc hiện đại sẽ dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận. – Nguồn: Tạp Chí Gỗ Việt.
Xem thêm: Giải pháp giúp tự động hóa sản xuất trong ngành gỗ.
Hạn chế về khả năng cạnh tranh.
Những hạn chế về khả năng cạnh tranh mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ phần lớn chưa thật sự mạnh, còn tự phát, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp hiện vẫn còn đầu tư mang tính dàn trải, quy mô nhỏ, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất thủ công, lạc hậu, năng suất lao động thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều. Trong đó, chất lượng của sản phẩm gỗ được quyết định bởi tính năng, độ bền, độ cứng, hiệu suất sử dụng, tuổi thọ và cả tính thẩm mỹ.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ. Việc này tiềm ẩn nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ rừng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa cũng là một hạn chế lớn của ngành gỗ Việt Nam. Việc thiếu hụt các giải pháp tự động hóa quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại khiến cho năng suất lao động vẫn còn thấp, khó đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng loạt.
Cuối cùng, mẫu mã sản phẩm của ngành gỗ Việt Nam còn đơn điệu, thiếu sự sáng tạo và chưa có thương hiệu mạnh. Các doanh nghiệp chưa chú trọng vào thiết kế, nghiên cứu thị trường để tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.
Xem thêm: Giải pháp giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành gỗ.
Hạn chế về đa dạng hóa sản phẩm.
Những hạn chế về mẫu mã sản phẩm mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Thực tế, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào một số mặt hàng chủ lực như ghế khung gỗ, ván gỗ, ván sàn, viên nén và dăm gỗ. Việc tập trung vào một số mặt hàng nhất định khiến cho các doanh nghiệp ngành gỗ dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.
Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chỉ gia công theo đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài, chứ chưa có đội ngũ thiết kế, sáng tạo ra dòng sản phẩm riêng mang thương hiệu riêng. Điều này khiến cho giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ Việt Nam thấp và khó có thể cạnh tranh với các nước có ngành công nghiệp gỗ phát triển như Trung Quốc, Malaysia…
Để khắc phục tình trạng này, ngành gỗ Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và thiết kế sản phẩm. Cần xây dựng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Xem thêm: Giải pháp giúp đa dạng hóa sản phẩm trong ngành gỗ.
Hạn chế về mở rộng thị trường.
Những hạn chế về mở rộng thị trường mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Bên cạnh những khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhân lực và chi phí sản xuất, ngành gỗ Việt Nam còn đối mặt với rào cản lớn trong việc mở rộng thị trường. Hạn chế này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm:
- Thứ nhất, hạn chế về xây dựng thương hiệu: Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chủ yếu tập trung vào gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu riêng. Việc thiếu đi thương hiệu mạnh khiến sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời, doanh nghiệp cũng chịu nhiều rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ.
- Thứ hai, hạn chế về tính sáng tạo và thiết kế: Năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới còn yếu, dẫn đến sản phẩm thiếu tính sáng tạo và giá trị gia tăng thấp. Hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chưa đầu tư đúng mức vào công tác nghiên cứu, thiết kế, dẫn đến sản phẩm thiếu sự độc đáo, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
- Thứ ba, hạn chế về nghiên cứu thị trường: Nhiều doanh nghiệp không đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, vì thế thiếu hụt thông tin thị trường. Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, nhu cầu của khách hàng ở các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp chưa có chiến lược marketing bài bản, dẫn đến việc tiếp cận khách hàng không hiệu quả.
- Thứ tư, hạn chế về tiếp cận thông tin: Các nước nhập khẩu áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, môi trường… gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trong việc xuất khẩu sản phẩm. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều vào công nghệ, thiết bị và công tác đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến tăng chi phí sản xuất.
Xem thêm: Giải pháp giúp mở rộng thị trường trong ngành gỗ.
Hạn chế về marketing và quảng bá.
Những hạn chế về marketing và quảng bá mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt? Hạn chế về marketing và quảng bá là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào marketing và quảng bá. Họ thường dựa vào các kênh truyền thống như hội chợ, triển lãm, hoặc giới thiệu qua người thân, bạn bè. Điều này khiến cho việc tiếp cận khách hàng tiềm năng trở nên hạn chế.
Thứ hai, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam thường thiếu hụt đội ngũ nhân viên marketing có chuyên môn cao. Họ chưa biết cách xây dựng chiến lược marketing hiệu quả, cũng như chưa nắm bắt được xu hướng thị trường.
Thứ ba, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các thị trường quốc tế. Họ thiếu thông tin về thị trường, cũng như không có kinh nghiệm trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Hậu quả của những hạn chế này là khiến cho ngành gỗ Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thị trường quốc tế. Sản phẩm gỗ Việt Nam chưa được nhiều người biết đến, và giá trị xuất khẩu còn thấp.
Xem thêm: Giải pháp giúp tăng cường marketing và quảng bá trong ngành gỗ.
Kết luận.
Thông qua sự tìm hiểu những hạn chế mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra những hạn chế ở trên như nguồn nguyên liệu, vốn đầu tư, khả năng tiếp cận công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm… Để tháo gỡ những rào cản này và thúc đẩy ngành gỗ phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía.
Trước hết, Chính Phủ cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành gỗ. Chính sách này cần tập trung vào việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm… Cuối cùng, người lao động cũng cần nâng cao tay nghề và kỹ năng của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành gỗ.