Rừng đóng vai trò không thể thiếu trong sự đa dạng sinh học và cung cấp nhiều giá trị sinh thái quan trọng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Hãy cùng Timber Phoenix khám phá tổng quan về rừng Việt Nam: Các khu rừng nổi tiếng và nguy cơ đối mặt. Qua nội dung của bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về diện tích rừng, cách phân loại, kiểu rừng đặc trưng và cập nhật về tình trạng của các khu rừng ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Tổng quan rừng Việt Nam: Các khu rừng nổi tiếng và nguy cơ đối mặt.
Tổng quan về rừng của Việt Nam.
Diện tích rừng của Việt Nam.
Tổng diện tích rừng của Việt Nam là bao nhiêu? Báo Điện Tử Chính Phủ đưa tin, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 của Bộ NN&PTNT, diện tích rừng trên toàn quốc bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha. Cụ thể, rừng tự nhiên có 10.134.082 ha, rừng trồng có 4.655.993 ha; diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỉ lệ che phủ là 13.926.043 ha. Tổng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%, ở đây tỷ lệ che phủ rừng là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích đất tự nhiên.
Xem thêm: Có bao nhiêu loại rừng? Đâu là những cách để phân loại rừng phổ biến?
Các khu rừng tại Việt Nam.
Ở Việt Nam có bao nhiêu khu rừng? Báo Thanh Niên năm 2020 đưa tin, Việt Nam có 167 khu rừng đặc dụng, và theo cập nhật mới nhất thì hiện nay là 181 khu rừng, bao gồm: 34 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu thực nghiệm khoa học.
Xem thêm: Rừng tự nhiên là gì? Khái niệm, đặc điểm và vai trò.
Các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Ở Việt Nam có bao nhiêu khu bảo tồn thiên nhiên? Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên & Môi Trường đến hết năm 2021, Việt Nam có 181 khu bảo tồn thiên nhiên, bao gồm cả các khu bảo tồn trên đất liền và khu bảo tồn vùng biển, với tổng diện tích là 2.641.521,55 ha. Trong đó, diện tích khu bảo tồn trên đất liền chiếm 93,7% tổng diện tích. Cụ thể có 34 vườn quốc gia; 60 khu dự trữ thiên nhiên; 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 65 khu bảo vệ cảnh quan.
Cách phân loại rừng của Việt Nam.
Rừng ở Việt Nam được phân loại như thế nào? Việt Nam đang áp dụng phân loại rừng dựa trên 06 tiêu chí, theo Thông tư số 34/2009 / TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cụ thể như sau:
- Theo mục đích sử dụng: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.
- Theo nguồn gốc hình thành: Rừng tự nhiên, rừng trồng.
- Theo điều kiện lập địa: Rừng núi đất, rừng núi đá, rừng ngập nước, rừng trên đất cát.
- Theo loài cây: Rừng gỗ, rừng tre nứa, rừng cau dừa, rừng hỗn hợp.
- Theo trữ lượng: Rừng nghèo, rừng trung bình, rừng giàu, rừng rất giàu.
- Đất chưa có rừng: Núi đá chưa có cây, đất trống không có cây gỗ, đất trống có cây gỗ tái sinh, đất có rừng trồng chưa thành rừng.
Xem thêm: Rừng trồng là gì? Khái niệm, đặc điểm và vai trò.
Kiểu rừng đặc trưng của Việt Nam.
Kiểu rừng đặc trưng của Việt Nam là gì? Kiểu rừng đặc trưng của Việt Nam là rừng rậm nhiệt đới ẩm, lá rộng thường xanh quanh năm. Do đó, rừng Việt Nam sở hữu sự đa dạng sinh học, với hàng ngàn loài thực vật và động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm và đang nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, rừng Việt Nam còn là nguồn cung cấp quan trọng về lâm sản, cung cấp nguồn gỗ quý và nhiều loại sản phẩm rừng khác, góp phần quan trọng vào nền kinh tế và cuộc sống của người dân.
Xem thêm: Sự khác biệt và mối liên hệ giữa rừng tự nhiên và rừng trồng.
Rừng quốc gia của Việt Nam.
Ở Việt Nam có bao nhiêu khu rừng quốc gia? Rừng quốc gia hay Vườn quốc gia hoặc còn gọi là công viên quốc gia là một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các quy định pháp luật, tránh khỏi sự khai thác, can thiệp bởi con người. Hiện nay, Việt Nam có 34 khu rừng quốc gia trải dài từ Bắc đến Nam, trong danh sách vườn quốc gia tại Việt Nam gồm có: Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Phong Nha (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận)… Hầu hết đều là những khu vườn quốc gia mà chúng ta nhất định phải ghé thăm ít nhất một lần trong đời.
Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Đâu là khu vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam? Trong số 34 khu rừng quốc gia, thì Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên được thành lập vào năm 1966 thuộc địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình. Trong khi đó, vườn quốc gia mới nhất được thành lập là Sông Thanh được thành lập vào ngày 18 tháng 12 năm 2020 nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nếu như Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích lớn nhất là 123.326 ha, thì Vườn quốc gia Xuân Thủy có diện tích nhỏ nhất chỉ khoảng 15.000 ha.
Các khu rừng nổi tiếng của Việt Nam.
Những khu rừng nổi tiếng của Việt Nam.
Đâu là những khu rừng nổi tiếng của Việt Nam? Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á và nổi tiếng với sự đa dạng của hệ thống rừng phong phú, trải dài từ khu vực Bắc đến Nam. Sau đây là một số khu rừng nổi tiếng của Việt Nam:
- Rừng Cúc Phương: Khu rừng Cúc Phương tọa lạc tại tỉnh Ninh Bình, thuộc vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Đây được coi là một trong những khu rừng bảo tồn lớn nhất trong cả nước, nổi tiếng với sự đa dạng sinh học độc đáo. Cúc Phương cũng là nơi đặt Trung Tâm Bảo Tồn Thiên Nhiên Cúc Phương, chuyên về nghiên cứu và bảo tồn động và thực vật.
- Rừng Bạch Mã: Nằm tại thượng nguồn sông Hương, rừng Bạch Mã thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, rừng Bạch Mã là một trong những khu rừng nhiệt đới ẩm nổi tiếng của Việt Nam, với sự đa dạng về động và thực vật.
- Rừng Nam Cát Tiên: Tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai, rừng Nam Cát Tiên là một vườn quốc gia có diện tích rộng lớn và đa dạng sinh học đáng kinh ngạc. Nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và bảo tồn động và thực vật hiếm.
- Rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ: Khu rừng này nằm ở tỉnh Cà Mau, miền Nam Việt Nam, và nổi tiếng với một hệ sinh thái đa dạng gồm các loài động, thực vật và cá. Rừng U Minh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu các loài động và thực vật quý hiếm.
- Rừng Kon Ka Kinh: Tọa lạc tại tỉnh Gia Lai, rừng Kon Ka Kinh là một trong những khu rừng nhiệt đới ẩm độc đáo của Việt Nam, là nơi cư trú của nhiều loài động và thực vật quý hiếm, đặc biệt là động vật có vú.
Khu rừng có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Khu rừng nào có diện tích lớn nhất Việt Nam? Rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích lớn nhất Việt Nam với 123.326 ha, bao gồm 03 phân khu như sau: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha), phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha). Kế đến là rừng quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn của hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk với tổng diện tích 115.545ha.
Tỉnh có diện tích rừng lớn nhất.
Tỉnh nào có diện tích rừng lớn nhất Việt Nam? Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cuối năm 2022, Nghệ An là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rừng với hơn 1 triệu ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 789.000 ha, còn lại là rừng trồng. Dù sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, nhưng Nghệ An chỉ có duy nhất một vườn quốc gia tên là Pù Mát. Trước đó, vào năm 2001, Pù Mát được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên thành Vườn quốc gia.
Rừng già của Việt Nam nằm ở đâu.
Việt Nam có rừng già không? Rừng già là những khu rừng có các cây cổ thụ đã phát triển trong thời gian dài và thể hiện sự đa dạng sinh học cao. Rừng già có thể là một phần của rừng nguyên sinh, nhưng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với rừng nguyên sinh. Căn cứ theo định nghĩa đó, các khu rừng già nổi tiếng của Việt Nam có thể kể đến là: Rừng Nam Cát Tiên, rừng Cúc Phương, rừng Yok Đôn, rừng U Minh…
Rừng nguyên sinh của Việt Nam.
Các khu rừng nguyên sinh đẹp nhất Việt Nam? Rừng nguyên sinh là một khái niệm rộng hơn so với rừng già, chỉ những khu rừng tự nhiên nguyên sơ, chưa từng bị can thiệp hoặc bị can thiệp rất ít bởi hoạt động của con người. Rừng nguyên sinh thường có sự đa dạng sinh học lớn và là nguồn cung cấp quan trọng cho hệ sinh thái và là môi trường để bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Trong danh sách 10 khu rừng nguyên sinh đẹp nhất Việt Nam gồm có: Nam Cát Tiên, rừng Cúc Phương, rừng thông Bản Áng, rừng tràm Trà Sư, rừng U Minh, rừng Pù Mát, rừng ngập mặn ở Cần Giờ, rừng Tam Đảo, rừng thông Bồ Bồ, rừng phong Chế Tạo.
Các khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Việt Nam có bao nhiêu khu dự trữ sinh quyển thế giới? Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) là một hệ thống bảo tồn môi trường thiên nhiên quốc tế do tổ chức UNESCO thiết lập, hiện nay có hơn 700 KDTSQ trên khắp hành tinh. Theo thống kê đến năm 2022, Việt Nam có 11 KDTSQ với tổng diện tích khoảng 4.866.009 ha, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên, trở thành quốc gia có số lượng KDTSQ đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Bao gồm:
- KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
- KDTSQ Đồng Nai (2001, 2011).
- KDTSQ Quần đảo Cát Bà (2004).
- KDTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004).
- KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006).
- KDTSQ Miền Tây Nghệ An (2007).
- KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009).
- KDTSQ Mũi Cà Mau (2009).
- KDTSQ Langbiang (2015).
- KDTSQ Núi Chúa (2021).
- KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).
Tình trạng rừng của Việt Nam hiện nay.
Rừng của Việt Nam hiện nay đang đối mặt với tình trạng gì? Tổng diện tích rừng toàn quốc vào năm 2022 là gần 15 triệu ha, với tỷ lệ che phủ tương ứng là 42,02%. Tuy nhiên, sự phân bố rừng trên lãnh thổ Việt Nam là không đồng đều, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Trung Du phía Bắc. Trong đó, rừng tự nhiên chủ yếu thuộc loại rừng nghèo, trong khi rừng giàu và rừng trung bình chỉ chiếm 4,6% tổng diện tích rừng trên toàn quốc, đặc biệt rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn của Việt Nam chỉ còn 0,25%.
Các khu vực rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn có tầm quan trọng đặc biệt để bảo vệ an toàn môi trường và duy trì đa dạng sinh học, nhưng chúng đang dần biến mất do tình trạng khai thác quá mức và hoạt động của lâm tặc. Đáng chú ý, tháng 09/2023, VnExpress đưa tin: Khu rừng hơn 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận sắp chuyển thành hồ thủy lợi chứa nước Ka Pét, điều này làm dấy lên sự đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực.
Xem thêm: Mất rừng là gì? Các nguyên nhân gây mất rừng?
Kết luận.
Thông qua việc khám phá tổng quan về rừng Việt Nam: Các khu rừng nổi tiếng và nguy cơ đối mặt mà Timber Phoenix đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã hiểu rằng rừng không chỉ là một phần quan trọng của môi trường tự nhiên mà còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, diện tích rừng ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng bị thu hẹp đặt ra một nhiệm vụ cấp bách cho chúng ta, đó là bảo vệ và bảo tồn các khu rừng quý giá. Chỉ thông qua các hành động thực tiễn, chúng ta mới có thể duy trì sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tự nhiên một cách bền vững cho các thế hệ mai sau.
—
Ngoài ra, từ bài viết này bạn có thể xem xét thêm các chủ đề liên quan sau đây:
- Hệ sinh thái rừng là gì? Đặc điểm và vai trò của hệ sinh thái rừng?
- Có bao nhiêu loại rừng? Đâu là những cách để phân loại rừng phổ biến?
- Tổng quan rừng Việt Nam: Các khu rừng nổi tiếng và nguy cơ đối mặt.
- Cách phân loại rừng của Việt Nam, nước ta có những loại rừng nào?
- Rừng tự nhiên là gì? Khái niệm, đặc điểm và vai trò.
- Rừng trồng là gì? Khái niệm, đặc điểm và vai trò.
- Sự khác biệt và mối liên hệ giữa rừng tự nhiên và rừng trồng.
- Mất rừng là gì? Các nguyên nhân gây mất rừng?
- Các nguyên nhân gây suy thoái rừng và giải pháp bảo vệ.
- Quản lý rừng bền vững là gì? Ý nghĩa và nguyên tắc.